Nếu như Apple hay Samsung có di sản khổng lồ là những chiếc di động đẳng cấp thế hệ trước, khiến cho họ gặp vô cùng nhiều khó khăn trong những lần nâng cấp thì Asus lại có lợi thế của một nhà sản xuất trẻ.
Bước sang năm thứ 3 có mặt ở thị trường di động, công ty này cho thấy họ đủ tiềm năng để cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ bằng một loạt sản phẩm dòng Zenfone 3.
Trong khi các sản phẩm như Zenfone 3 Deluxe hay Ultra mang tính chất làm thương hiệu nhiều hơn thì bản Zenfone 3 tiêu chuẩn là model chủ lực, quyết định sự thành công hay thất bại của cả một năm tới.
Lột xác về thiết kế
Những người từng quen thuộc với dòng sản phẩm Zenfone sẽ ngạc nhiên khi lần đầu bắt gặp Zenfone 3. Nói Asus đã đập đi làm lại hoàn toàn những di sản trước đây (về thiết kế) với Zenfone 3 chẳng sai.
Người dùng có một chiếc smartphone sử dụng chất liệu nhôm, kính thời thượng. Đây là chất liệu quen thuộc trên một vài dòng smartphone cao và trung cấp gần đây nhưng là lần đầu tiên với Asus.
Về kiểu dáng, Zenfone 3 có phần phổ thông với mặt kính 2,5D, viền kim loại bo tròn với các đường cắt kim cương, mặt sau sử dụng camera lồi. Tuy nhiên, điểm đáng khen nhất ở sản phẩm này chính là trải nghiệm cầm nắm.
Lấy tay vuốt một lượt trên tất cả các đường cắt của sản phẩm, từ viền màn hình, mép lưng, mép các nút cứng, người dùng không gặp bất cứ cảm giác cấn tay nào. Đây là điều không nhiều smartphone làm được, kể cả một số siêu phẩm di động hiện nay.
Kết quả là người dùng sẽ cảm giác được một sản phẩm liền mạch, trơn tru khi cầm trên tay. Nó xứng đáng là một trong những di động cho cảm giác cầm nắm tốt nhất hiện nay.
Mặt lưng của máy cũng có điểm độc đáo. Ở điều kiện ánh sáng thông thường, người dùng sẽ thấy một chiếc máy màu đen, mặt lưng kính bóng bẩy. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các nguồn sáng mạnh, nó ánh lên những đường tròn đồng tâm màu xanh đẹp mắt.
Những vòng tròn này, theo Asus, là đặc trưng của ngôn ngữ thiết kế Zen, có trên cả các dòng laptop và tablet trước đây của hãng.
Một trong những điểm hạn chế về thiết kế của Zenfone 3 là việc máy có viền màn hình khá dày. Điều này khiến nó kém sexy hơn. Viền màn hình dày cũng khiến máy tạo cảm giác hơi bè, thiếu đi đôi chút sự cân xứng trong thiết kế tổng thể.
Để dễ hình dung, Zenfone 3 bản 5,5 inch có bề ngang khá tương đồng với iPhone 6 (và 6S) Plus (77,4 so với 77,8mm) nhưng chiều dài lại thấp hơn đáng kể (152,6 mm so với 158,2mm). Bên cạnh đó, máy sử dụng mặt lưng bằng kính nên việc bám vân tay là không thể tránh khỏi.
Cấu hình tốt, giao diện chưa hiện đại
Nếu sử dụng một con chip Snapdragon dòng 82x, có thể coi Zenfone 3 là một smartphone cao cấp. Thực tế, máy chỉ dùng chip Snapdragon 625. Bù lại, model này sử dụng RAM 4 GB, dung lượng lưu trữ 64 GB cho nhu cầu sử dụng của người dùng.
Thực tế trải nghiệm cho thấy, máy gần như không gặp bất cứ hiện tượng treo, lag hoặc văng app nào trong quá trình vận hành (những điều vẫn thường xảy ra với điện thoại Android).
Mượt mà, ổn định là cụm từ chính xác để nói về sản phẩm này. Theo đó, các nhà sản xuất có thể không cần một con chip quá mạnh mẽ để tạo ra một chiếc smartphone có trải nghiệm tốt.
Trải nghiệm của máy sẽ tốt hơn nữa nếu Asus sử dụng một giao diện hiện đại hơn. So với ZenUI thế hệ trước, phiên bản mới được làm phẳng hơn, màu sắc hơn nhưng chưa thực sự tinh tế.
Các icon và text của máy được làm hơi lớn so với màn hình, tạo cảm giác thô. Cách phối màu trên giao diện này cũng không cho thấy sự hiện đại.
Ngoài ra, Asus cho cài khá nhiều phần mềm "rác" trên máy. Với dung lượng 64 GB, có thể người dùng không gặp vấn đề lớn. Tuy nhiên, cách chèn thật nhiều ứng dụng vào máy không phải là cách làm được người dùng yêu thích hiện nay.
Xu hướng thiết kế giao diện hiện đại là phẳng (điều Asus đã làm khá tốt), đơn giản, trực quan, giúp người dùng tìm kiếm thứ họ cần càng nhanh càng tốt, thao tác càng dễ dàng tốt.
Với Zenfone 3, người viết cảm thấy hài lòng hơn nhiều khi cài một launcher từ bên thứ 3, thay vì sử dụng giao diện gốc của máy.
Pin tốt, camera chất lượng khá
Một điểm đáng khen nữa của Zenfone 3 là thời lượng pin tốt. Máy sử dụng viên pin 3.000 mAh, cho thời lượng sử dụng không thua kém so với một model có pin được cho là tốt hiện nay như iPhone 6/6S Plus.
Trong khi đó, camera của máy - dù được quảng cáo khá mạnh mẽ - với hàng loạt công nghệ như lấy nét bằng laser, chống rung 4 trục cho chất lượng ảnh ở mức vừa phải. Trong điều kiện ánh sáng lý tưởng, hình ảnh tỏ ra rõ nét, màu sắc tốt, hiện thị sâu.
Tuy nhiên, thử nghiệm ở một số điều kiện ánh sáng phức tạp hơn, lập tức camera này cho thấy điểm yếu. Khi chụp thiếu sáng, ảnh khá nhòe và bị bệt những vùng phía sau.
Điểm đáng khen là camera này có tốc độ chụp nhanh, lưu ảnh nhanh. Như thường lệ, Asus cung cấp nhiều chế độ chụp khác nhau để người dùng lựa chọn. Để trải nghiệm hết các tính năng chụp hình này, người dùng cũng phải bỏ ra kha khá thời gian.
Một cách tổng quát, Zenfone 3 có camera khá nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định so với các smartphone đầu bảng hiện nay.
Giá bán có thể là rào cản
Asus đã làm tốt trong việc phát triển một chiếc smartphone với thiết kế cách tân, hiệu năng tốt, pin ổn. Vấn đề của họ bây giờ là các chiến lược marketing ra sao để càng nhiều người biết được ưu điểm của sản phẩm càng tốt.
Giá bán sẽ là rào cản lớn nhất khi model này có giá lần lượt 7,9 và 8,9 triệu đồng cho các bản 5,2 và 5,5 inch. Trong mắt người dùng, thương hiệu Asus đã gắn liền với những chiếc smartphone giá rẻ. Giờ đây, họ sẽ rất thắc mắc về việc thứ họ nhận lại sẽ là gì khi bỏ ra một sản phẩm có giá gần 10 triệu đồng.